Tham gia diệt Liêu Lâu_Thất

Đô Bột cực liệt A Cốt Đả (vẫn chưa lên ngôi hoàng đế) chiếm được Ninh Giang Châu [4], sai Lâu Thất chiêu dụ người Nữ Trực thuộc nhà Liêu; rồi hàng phục các bộ Thái Loan Chiếu Tát thuộc Di Đôn Ích Hải lộ. Lâu Thất đánh bại quân Liêu ở Bà Thứ Cản Sơn; lại đánh bại quân Liêu, bắt 2 tướng quân. Xong thì 2 lộ Ích Cải, Nại Mạt đều hàng. Lâu Thất tiến quân đến Hàm Châu, hạ được. Các bộ nối nhau đến hàng, Lâu Thất giành được các hộ Nữ Trực ở Liêu Bắc. Tướng Liêu là Đô thống Da Luật Ngoa Lý Đóa đem hơn 20 vạn quân đi đồn thú vùng biên. A Cốt Đả đi thành Đạt Lỗ Cổ, đến phía tây Ninh Giang Châu, triệu Lâu Thất; ông gặp A Cốt Đả ở trong quân. A Cốt Đả thấy ngựa của Lâu Thất phần nhiều mệt mỏi, đem 300 thớt cấp cho, sai đi theo quân cánh phải của Hoàn Nhan Tông Hàn, cùng Ngân Truật Khả thả binh sĩ xông vào đội quân Trung kiên của địch, cả thảy 9 lần phá trận, đều ra sức chiến đấu thoát ra. Sau đó Lâu Thất lại cùng Ngân Truật Khả đồn thú vùng biên.

Đến khi các bộ của 900 Hề doanh đến hàng, Lâu Thất bèn cùng Ngân Truật Khả đánh phủ Hoàng Long [5], Kim Thái Tổ A Cốt Đả (lên ngôi vào năm 1115) sai các thành viên thị tộc Hoàn Nhan là Hồn Truất, Bà Lư Hỏa, Thạch Cổ Nãi đem 4000 quân giúp ông, đánh bại hơn vạn quân Liêu ở Bạch Mã Bạc. Bọn Hoàn Nhan Tông Hùng hạ huyện Kim Sơn, Thái Tổ sai Lâu Thất chia 2000 quân để chiêu dụ người trốn tránh men núi. Tướng Liêu là Da Luật Niết Lý đóng quân ở Tật Lê Sơn [6], bọn Oát Lỗ Cổ, Lâu Thất phá được, rồi lấy Hiển Châu. Thái Tổ lấy phủ Hoàng Long, Lâu Thất xin rằng: “Hoàng Long là nơi đô hội, lại xa xôi, sợ có biến, ắt các quân bên cạnh theo nhau nổi dậy, xin lấy quân bản bộ đồn giữ.” Thái Tổ đồng ý, còn hợp Mưu khắc các lộ, mệnh Lâu Thất làm Vạn hộ, giữ phủ Hoàng Long.

Lâu Thất được tiến làm Đô thống, theo Hoàn Nhan Cảo lấy Trung Kinh [7], cùng bọn Hy Doãn đánh đuổi tướng Liêu là bọn Da Luật Địch Liệt, Da Luật Hòa Thượng, Da Luật Nhã Lý Tư, đánh bại Hề vương Hà Mạt, thu hàng Hề bộ Tây tiết độ sứ Ngoa Lý Thứ. Liêu Thiên Tộ đế từ Uyên Ương Bạc [8], chạy về phía tây, bọn Lâu Thất đuổi đến Bạch Thủy Bạc, bắt được bảo vật trong nội khố của ông ta. Sau khi kiểm đếm, Lâu Thất bèn cùng Đồ Mẫu đánh phá Tây Kinh [9]. Lâu Thất lại cùng Đồ Mẫu đến Thiên Đức, Vân Nội, Ninh Biên, Đông Thắng, quan lại các nơi ấy đều hàng, bắt được phản tướng Kim là A Sơ (người Hột Thạch Liệt bộ).

Người Tây Hạ cứu Liêu, quân đến Thiên Đức, Lâu Thất sai Đột Niên, Bổ Điêm đem 200 kỵ binh đi dò xét, bị quân Hạ giết sạch. A Sĩ Hãn lại đem 200 kỵ binh lên đường, gặp phục binh, một mình ông ta thoát về. Bấy giờ mưa dầm, chư tướng muốn nghỉ ngơi, Lâu Thất nói: “Họ hai lần phá kỵ binh ta, nếu ta không tiếp tục đi, họ sẽ cho rằng ta sợ, lập tức đến đánh ta.” Lâu Thất bèn chọn ngàn kỵ binh, cùng Tập Thất, Bạt Ly Tốc lên đường. Oát Lỗ khâm phục lời ấy, nên đi theo. Lâu Thất đợi trời sáng thì ra khỏi Lăng Dã Lĩnh, để lại Bạt Ly Tốc đem 200 quân giữ chỗ hiểm yếu. Quân Kim bắt sống lính Hạ để tra hỏi, biết được chủ tướng địch là Lý Lượng Phụ. Lâu Thất sắp đến Dã Cốc, lên cao nhìn xuống, thấy quân Hạ nhiều mà không chỉnh tề, đang bày trận vượt sông; bèn sai người báo với Oát Lỗ. Lâu Thất chia quân làm 2, thoắt ra thoát vào, tiến lui thay nhau chiến đấu suốt 30 dặm. Qua khỏi Nghi Thủy, quân của Oát Lỗ đến, hợp sức đánh bại quân Hạ.

Tướng Liêu là Đô thống Da Luật Đại Thạch xâm phạm Phụng Thánh Châu, cách Bích Long Môn về phía đông 25 dặm. Bọn Lâu Thất, Chiếu Lý, Mã Hòa Thượng đem quân đi đánh, bắt sống Đại Thạch, quân Liêu đầu hàng. Tướng Liêu là Tích Lý Thứ giữ Phụng Thánh Châu, bỏ thành chạy trốn.

Sau đó Lâu Thất theo Hoàn Nhan Tông Vọng đuổi theo Liêu đế, ông cùng Bồ Sát Hồ Trản [10] đem 20 kỵ binh dò xét địch, đánh bại 3000 quân Liêu ở Tam Sơn; có ngàn kẻ địch nhắm hướng Phụng Thánh Châu, Hồ Trản lại đánh bại họ, bắt chủ tướng của họ đem về. Quân Tây Hạ giữ ở Khả Đôn Quán, Hoàn Nhan Tông Hàn sai Lâu Thất coi Sóc Châu, đắp thành cách Bá Đức Sơn về phía tây nam 20 dặm, rồi 2 vạn quân Tây Sơn của Sóc Châu, bắt chủ tướng Triệu Công Trực. Sau đó Lâu Thất tiếp tục đuổi theo, bắt được Liêu đế ở Dư Đô Cốc. Được Kim Thái Tông ban thiết khoán, riêng tội chết chịu phạt đòn, còn tội khác thì không hỏi.